Trùng Sinh Vả Mặt Tra Nam

Chương 46


trướctiếp

Bữa cơm chiều đoàn viên mừng con gái yêu trở về bên ba mẹ của ông bà Hoàng có thêm hai vợ chồng già nhà bên và thằng con rể hụt một thời trồng cây si.

Nhìn mâm cơm đầy đủ các món ngon chẳng thua kém gì nhà hàng, Hoàng Diệp biết có sự góp sức của mẹ anh. Vì món gỏi mực nướng sốt chanh dây và đĩa sườn xào chua ngọt kia là của mẹ anh đặc biệt chế biến riêng cho cô.

Thấy món ngon như thấy lại miền kí ức ngọt ngào, êm đềm của tuổi học trò. Hoàng Diệp nhớ mẹ anh thường hay bảo: “Bảo Khang nói con rất thích gỏi mực nướng và sườn non xào nên bác đặc biệt làm cho con. Con ăn hết đi ha không cần cho nó miếng nào đâu!” Đấy! Tình thương mến thương mẹ anh dành cho cô là vậy. Suốt mười mấy năm trời, cô ăn biết bao nhiêu kilogam mực và thịt nhà người ta…Vậy mà…nỡ phụ một tấm chân tình.

Nghĩ lại, Hoàng Diệp thấy thật áy náy. Nhưng công bằng mà nói thì lỗi không chỉ mình cô.

“Ai bảo cậu im im như thóc!”

Đang cười với bác trai, Bảo Khang thình lình bị nàng nhéo ngang hông. Anh ngơ ngác trưng cho cô đôi mắt vô tội. Hoàng Diệp thật muốn trở đũa gắp đặt vào bát để dành nhai từ từ cho bỏ tức. Cũng vì anh làm cô có lỗi với mẹ anh. Cũng vì anh cô mới sa vào tay tên Thẩm Dĩ Phong chóa má.

Lẽ ra, cô xử đẹp Bảo Khang ngay lúc này! Nhưng may cho anh nha, bàn ăn hôm nay có người lớn nên cô tạm tha cho!

Hoàng Diệp thu ánh mắt sắc như dao đang nhìn anh, quay sang cười dịu dàng: “Dạ! Con mời ba mẹ, mời hai bác dùng cơm!”

Không thấy chủ nhân bữa tiệc mời mình, Bảo Khang nghiêng đầu áp vào tai cô. Đôi môi nóng của anh làm như vô tình chạm vào vành tai, hỏi nhỏ: “Em chưa mời anh!”

Rõ ràng là mượn cớ hôn trộm!

Hai má Hoàng Diệp nóng ran. Cô nguýt anh, ban lệnh trừng phạt: “Không cho cậu một miếng sườn nào!”

“OK em! So với tranh ăn món sườn heo của em, anh thích húp cháo và gặm sườn…em hơn!” Anh cười hì hì thầm thì vào tai cô.



Quá lắm rồi! Bảo Khang lúa này đã thành tinh thì phải!

Hoàng Diệp im luôn cho mát. Bởi hai má cô đã nóng lắm rồi.

Bốn người lớn nhìn nhau cười khà khà rồi vội vàng nâng ly chữa cháy: “Nào! Chúc mừng cô giáo đã về làng! Dô!”

Sáu ly đế cao khẽ chạm vào nhau sóng sánh rượu vang đỏ. Bữa cơm sum họp thơm hương rượu mừng càng vui vẻ, ấm áp.

Cơm nước xong cánh đàn ông tranh dọn dẹp, rửa bát. Ba người phụ nữ ra hiên nhà vừa ăn hoa quả vừa trò chuyện. Tiếng cười, tiếng nói thêm phần rôm rả khi cánh đàn ông đã làm xong việc. Sáu người ngồi uống nước bàn đủ chuyện trên đời.

Thời gian cưa gái là vàng là bạc, Bảo Khang không thể giả vờ ngoan ngoãn được nữa khi bốn người già khư hết chuyện này tới chuyện kia. Anh bèn khều nhẹ vào cánh tay cô, đá mắt ra vườn hoa.

Ở đó có chiếc xích đu vừa đủ chỗ cho hai người có tình.

Rời xa ánh đèn cô mới nhận ra: Trăng đêm nay sáng trong vằng vặc và rất đỗi dịu dàng như anh chàng ‘vệ sĩ’ nhà bên. Trong ánh sáng thanh lạnh đó, cảnh vật bàng bạc nhuộm một màu tai tái. Hơi lạnh nha! Nên rất thích hợp để người nhích lại gần người! (He he he…tác cười). Và Bảo Khang đã làm ngay việc mình cần làm. Đó là ôm crush!

“Để anh sưởi ấm em!”

Môi anh khẽ khàng tìm đến môi cô. Một nụ hôn tiếp nối nụ hôn bỏ ngỏ lúc chiều.

Dịu dàng không thể cưỡng! Miên man không thể dừng!

Chẳng như ai…



Thẩm Dĩ Phong bỏ bữa cơm chiều vì anh ta đột ngột phát sốt. Đổ bệnh ngang xương do tâm trạng sa sút bất an.

Một viên hạ sốt chưa đủ cắt cơn. Anh ta uống thêm viên nữa. Một manh chiếu cũ trải dưới nền lạnh không đủ làm ấm lưng quen ngủ nệm của anh ta. Trong phòng giam, nhìn ánh trăng len qua ô cửa nhỏ anh ta càng thèm quãng trời xanh rộng bát ngát ngoài kia. Nhớ tự do anh ta ước gì giờ được ở nhà. Những lúc bệnh như thế này, vợ sẽ nấu cho anh ta bát cháo thịt nạt băm hành tiêu thơm phức. Ăn vào vã cả mồ hôi. Rồi cái lạnh, cái mỏi sẽ tiêu tan theo giấc ngủ.

Hương vị quá đỗi đơn sơ nhưng đối với anh ta giờ này đã trở thành một món đồ xa xỉ bậc nhất.

Anh ta nhận ra mình ngu ngốc như thế nào khi chạy theo thứ dục vọng rẻ mạt. Để giờ có hối cũng đã quá muộn màng.

Nếu chớt mà sống lại được, anh ta xung phong chớt. Chứ tình trạng này mà kéo dài gần mười năm chắc anh ta biến thành kẻ tâm thần.

Mà giờ này ở nhà mẹ anh ta đang điên vì nuối tiếc.

Bà ta lẻ loi một mình ngồi bên mâm cơm chiều chỉ có bát mắm trong. Ăn gì đối với bà ta không còn quan trọng nữa. Điều làm bà ta đau lúc này: Đây là bữa cơm cuối cùng bà ta ăn trong căn nhà của mình.

Những gì cần bán đã gọi bán. Dù rẻ như bèo vẫn phải bán tháo. Vì một phần bà ta cần có ít tiền để thăm nuôi con trai, một phần có giữ lại bà ta cũng chẳng biết để chúng ở đâu khi đến bản thân ngày mai cũng không còn nơi để trú.

Nhìn căn nhà trống trơn không còn một đồ vật. Bà ta tiếc nuối về những ngày bình yên. Khi biết đến hai chữ ‘hối hận’ thì cái gì cũng tan hoang hết rồi. Nhà không! Con dâu không! Cháu trai càng không! Có mỗi đứa con trai cưng thì vướng vào vòng lao lí.

Giá như bà ta nghiêm khắc với con hơn. Giá như bà ta sáng suốt đừng hùa theo những việc làm sai trái của con…Và đừng khắc nghiệt với con dâu thì giờ này có phải bà ta đã ăn ngon ngủ ấm rồi không?

Đời người không tuần hoàn lặp lại nên hai chữ ‘giá như’ kia không thể giúp bà ta lật ngược tình thế!

Nhưng nó làm bà ta nhớ đến một kẻ đầu sỏ gây tai họa: “Mai! Tao sẽ bóp chớt mày!” Bà ta ném luôn bát mắm vào tường.

trướctiếp