Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 3


trướctiếp

Lúc Tứ a ca ngồi vào Thượng thư phòng, trời bên ngoài hãy chưa sáng.

Họ phải ôn bài trước khi sư phụ đến, cả đám huynh đệ bắt đầu gật gà gật gù đọc bài một trăm hai chục lần. Tứ a ca miệng thì đọc, lòng lại nhớ tới mấy món đồ ăn sáng ban nãy.

Từ nhỏ đến lớn, những món chàng ăn chưa bao giờ là do chính chàng chọn. Hồi còn bé là nhũ mẫu và thái giảm chủ quản chọn món, họ dâng món gì thì chàng ăn món ấy. Lúc ở chỗ của Hoàng ngạch nương, cũng là Hoàng ngạch nương cho ăn món gì thì chàng ăn món ấy.

So ra, món mà nhũ mẫu và thái giám chủ quản chọn tương đối đầy đủ, hơn nữa gần như đều giống nhau. Có trứng có sữa có thịt, có bánh bao có bánh ngọt, với lại nhũ mẫu là người Giang Tô, tuổi cũng khá lớn, nên thiên về những thức mềm mềm, ngọt ngọt. Khi bé nhũ mẫu thích nhất là cho chàng ăn chè trôi nước nhân đường trắng, có lẽ nghĩ rằng con nít thích ăn ngọt?

Họa chăng thái giám tổng quản nghĩ a ca thích ăn thịt, nên bữa nào cũng phải có thịt, và còn là cả miếng thịt to tướng.

Có điều lâu ngày toàn ăn đồ ăn tiêu chuẩn, chàng ngấy tận cổ, mất hết cả khẩu vị ăn uống. Về sau hễ nhìn bàn thức ăn tương tự thế là chàng đã thấy lửng dạ.

Món của Hoàng ngạch nương thì tinh tế hơn một chút, cùng một loại điểm tâm nhưng bảy tám loại nguyên liệu đã bị coi là ít.

Chỉ là thức ăn dẫu có tinh tế tới đâu, ăn vào miệng cũng chỉ cảm nhận được hai vị: ngon và không ngon. Dù sao chàng đã không ăn được, thì bỏ thêm bột trân châu hay bột phục linh cũng có gì khác biệt đâu.

Chẳng qua món Hoàng ngạch nương cho ăn, chàng luôn luôn phải thể hiện sự cảm động đến độ rơi nước mắt và vẻ hiếu kỳ như thể trước nay chưa từng được thấy. Dần dà, đối với những món ăn có thể làm hẳn một bản thuyết minh nguồn gốc lớn lao ghê gớm, chàng cũng chẳng có hứng thú.

Sau khi dọn vào A Ca Sở, Tô Bồi Thịnh đã biết nhìn sắc mắt chàng hơn một chút, vậy nên mấy món chàng không thích ăn dần ít xuất hiện trên bàn ăn của chàng.

Ấy nhưng Tô Bồi Thịnh làm việc cực kỳ dứt khoát, hôm nay chàng chê thịt dê tanh, bàn cơm ngày hôm sau sẽ hoàn toàn vắng bóng thịt dê.

Bụng Tứ a ca thầm chửi hắn ta ngốc, không biết biến báo.

Bởi thế chàng đã tự ép bản thân giấu đi cái sự ghét sự thích của mình, ăn gì cũng chỉ trưng một bộ mặt duy nhất, kẻo có ngày tên ngốc kia lại dẹp hết cái ăn của chàng luôn thì quá tội.

Sau khi ngạch nương chọn cách cách cho chàng, chàng bắt đầu dùng bữa theo khẩu vị các cách cách. Tính tình Tống cách cách ôn hòa thuần hậu, hầu như chẳng cáu gắt lúc nào, thích ăn món ngọt, cay. Nhưng có lẽ Tô Bồi Thịnh đã bày vẽ cho nàng, nên bàn cơm chỗ nàng luôn có vẻ kỳ cục lắm, hoặc là nhạt thếch chả tí vị gì, hoặc là thanh đạm cứ như là ăn với hòa thượng, món ngọt món cay mà nàng thích thì lại không thấy ăn.

Sau đó khi chàng dành nhiều quan tâm hơn cho Lý thị, Tống thị bắt đầu ăn những món giống y món Lý thị ăn. Sau khi Phúc tấn vào cửa, nàng lại chuyển sang ăn những món giống y Phúc tấn ăn.

Chàng không biết khẩu vị Phúc tấn ra sao, vì bữa ăn của Phúc tấn luôn làm chàng nhớ tới nhũ mẫu và thái giám tổng quản, lần nào cũng chuẩn bị cả bàn lớn, trên bàn chẳng thiếu thứ gì, cơ hồ không nhận ra nàng thích ăn món nào hơn.

Cho nên, buổi sáng hôm nay nhìn thấy dưa chuột xào trứng gà, rau cần xào và mộc nhĩ đen trộn hành tím trên bàn cơm, còn có một đĩa trứng vịt muối chưng nhỏ bên cạnh, là chàng đã biết đây không phải đồ ăn của Phúc tấn.

Chàng thoáng nhìn qua Tô Bồi Thịnh, đầu hắn gục xuống tận ngực.

Hừ.

Đoán chừng đây là đồ ăn của Lý thị.

Là nàng hiếu kính ư?

Không, nàng sẽ không to gan giở trò làm gai mắt Phúc tấn như vậy.

Thế thì là Tô Bồi Thịnh tự ý quyết định rồi.

Mặc dù có hơi không vui, nhưng bữa sáng này quả thực khiến chàng hài lòng hơn nhiều. Bằng không, nếu để chàng thấy bàn thức ăn đầy ắp của phúc tấn, chàng sẽ mất hứng ăn ngay, cuốn sách sáng nay cũng cầm chẳng nổi nữa.

Từ ban đầu, việc Lý thị hầu hạ chàng phần nhiều không phải ý của chàng. Chỉ là có một lần nọ, Lý thị lén ăn một bữa thịt dê nướng sau lưng chàng, ăn đến nỗi nóng trong người, miệng lở loét, ngay cả uống nước cũng thấy đau, dưỡng khoảng độ nửa tháng mới khỏi.

Chàng không thích ăn thịt dê, thịt bò, vì vị tanh. Việc này mọi người trong viện đều biết, chắc chắn Tô Bồi Thịnh sớm đã nhắc nhở những cách cách hầu hạ chàng. Vì vậy đã nhiều năm trong viện của chàng không hề ngửi thấy mùi thịt dê, càng đừng nói tới việc có người dám ăn.

Lý thị ăn thịt dê nên phải tội nửa tháng, chàng cũng hơn nửa tháng không đi tìm nàng. Khi đó Phúc tấn chưa vào viện, trong viện có mỗi hai người là nàng và Tống cách cách.

Danh tiếng của Tống cách cách dần dần áp đảo nàng, nhưng chàng lại dần phát hiện, Lý thị không ăn kiêng.

Chàng thì kiêng lắm thứ lắm. Thịt bò, thịt dê, thịt vịt, mấy thứ đó chàng đều không ăn, thịt lợn là tại bẩn, thịt dê là do tanh. Tuy nhiên chàng không hẳn là kiêng cữ tuyệt đối, ví dụ như mùa đông chàng cũng thích uống canh thịt dê câu kỷ. Có điều người dưới căng thẳng quá, tưởng rằng chàng không đụng tí nào đến mấy thứ ấy, kết quả chẳng những không nhìn thấy trên bàn ăn của chàng, mà bọn hạ nhân trong viện cũng đồng loạt không ăn, sợ ám múi làm chàng nổi giận.

Nhưng từ trước đến nay Lý thị chưa bao giờ để tâm.

Cũng chỉ có ở chỗ nàng, thỉnh thoảng Tứ a ca mới có một bữa gọi là được hưởng lộc ăn.

Hồi tết Nguyên Tiêu năm ngoái, chàng ăn ở chỗ nàng một bát chè trôi nước mỡ lợn nhân đường trắng nhỏ, dọa Tô Bồi Thịnh suýt nữa rơi cằm. Có lẽ trong mắt thái giám bên cạnh, vì tránh tạo cho người khác ấn tượng về sở thích của mình nên chàng mới không từ chối bát chè trôi nước kia. Chỉ có chàng biết, khi thực sự ăn lại được vị chè trôi nước quen thuộc, chàng bỗng nhận ra chàng không ghét nó như trong tưởng tượng.

Ngược lại, bát chè trôi nước ấy lại làm chàng nhớ về nhũ mẫu đã rời cung qua đời từ lâu.

Chàng biết rất nhiều người đều đang đoán nguyên nhân chàng coi trọng Lý thị. Nhưng với chàng mà nói, sự tự tại của Lý thị là tính cách chàng coi trọng nhất. Nàng giữ phép tắc, thấu tình đạt lý, nhưng bên cạnh đó nàng cũng không gò ép bản thân quá đáng, mà trong phạm vi nhất định, nàng luôn mặc sức hưởng thụ.

So sánh với Tống thị luôn học theo người khác, Phúc tấn không nhìn ra được là thích ghét thứ gì, hiển nhiên chàng càng thích ở cạnh Lý thị hơn. Cuộc sống ở trong cung, nỗ lực có thể là điều tất yếu, nhưng tự tại mới là quan trọng nhất. Lý thị có giới hạn về xuất thân nên có lẽ sẽ không đi quá xa, nhưng nàng nhất định là người thích ứng với cuộc sống trong cung hơn hẳn Phúc tấn và Tống thị.



Trong viện Tứ a ca, Lý Vi ngủ thẳng tới tận lúc nắng le lói mới dậy. Lúc này cũng chỉ mới hơn sáu giờ, nhưng Tứ a ca đã đi được hai tiếng đồng hồ rồi.

Ngọc Bình đặt sẵn nước ấm rửa mặt và đồ ăn sáng trên bếp trà, thấy nàng dậy liền dẫn hai tiểu nha đầu bưng chậu nước ấm vào phòng, vừa hầu nàng xuống giường vừa nói: "Chưa đến bốn giờ Tứ gia đã đi, nghe người ta bảo Tứ gia dùng bữa sáng ở chỗ Phúc tấn ngon miệng lắm." Giọng có hơi chua chua.

Theo góc nhìn của Ngọc Bình, chỗ Phúc tấn có nguồn cung tốt, đương nhiên chẳng thiếu thứ hay, Tứ a ca thích là chuyện bình thường.

Lý Vi ngáp cái, chỉ mặc một bộ kỳ bào đơn màu xanh lá liễu, bên trong là chiếc quần lụa, cũng không chịu xỏ hoa bồn để, "Đang trong phòng mà." Nàng nói thế, rồi xỏ chân một đôi hài gấm đế mềm.

Ngọc Bình dọn đồ ăn sáng lên, bày cháo hoa và trứng vịt muối trước mặt nàng, dè dặt hỏi: "Không sang chỗ Phúc tấn ngồi một lúc ạ?"

Lý Vi sửng sốt, hỏi nàng ta: "Lần trước ta đi là khi nào?"

Ngọc Bình lập tức đáp: "Mồng chín, bốn ngày trước ạ." Không đợi Lý Vi nói đã nhanh nhảu tiếp thêm một câu, "Nghe nói ngày nào Tống cách cách cũng đi đấy ạ."

Ngụ ý rằng, người ta biết nịnh bợ Phúc tấn, người cũng không thể quá lười biếng.

Trước kia lúc Lý Vi chưa xuyên không đã hay nghe nói mỗi ngày cách cách và Trắc phúc tấn đều phải đi thỉnh an Phúc tấn, xuyên đến đây rồi mới biết thực ra chả hề có quy tắc này.

Mà cũng không thể nói là không có được, phải nói là ban đầu có. Hồi nhỏ ở Lý gia, khi mời ma ma đến nhà dạy quy củ, quả thực có dạy mỗi ngày phải tới chỗ Hoàng hậu thỉnh an. Những người có phân vị thấp kém như Đáp ứng hoặc Quý nhân còn chẳng có tư cách đấy, ít nhất là phải hàng Tần mới có vinh hạnh được gặp mặt Hoàng hậu mỗi ngày.

Nhưng khi tiến cung tuyển tú, điều ma ma trong cung nói lại hoàn toàn là một chuyện khác. Bởi lẽ trong cung không có Hoàng hậu, đương nhiên sẽ không có việc thỉnh an Hoàng hậu. Các vị chủ tử trong cung sẽ đi chuyện trò với Thái hậu hằng ngày, làm vậy chẳng qua đơn giản vì để tận hiếu tâm, chứ không phải quy củ, người có thể đi chắc chắn toàn những gương mặt có tiếng nói trong cung.

Vì trong cung là thế, còn các nhà đại thần trong kinh ra sao thì Lý Vi chưa thấy bao giờ. Mà từ sau khi nàng vào A Ca Sở, nghe nói Thái tử phi và Phúc tấn của Tam a ca không bắt nhóm cách cách tuân thủ quy tắc thỉnh an vấn an mỗi ngày, cho nên Tứ phúc tấn vào cửa cũng gạt khoản ấy ra luôn.

Dẫu vậy, nói người phân vị thấp không cần đến chỗ người phân vị cao vẫn không đúng hẳn, cung của tứ vị Phi hằng ngày có kha khá người đến tâng bốc xu nịnh. Nhóm tiểu phi tần được che chở dưới phi tần phân vị cao, chẳng những có thể sống tốt hơn, mà cũng có thể có càng nhiều cơ hội nhìn thấy Hoàng đế.

A Ca Sở cũng y như thế.

Tống cách cách đi gặp Phúc tấn mỗi ngày cốt là để bày tỏ thái độ. Ban đầu Lý Vi cũng giống Tống cách cách, nhưng Phúc tấn lại chỉ cho các nàng vào phòng bên uống trà, tổng bảy tám lần đến thì chưa chắc nàng đã gặp các nàng một lần, là một sự tiếp đón lạnh nhạt tiêu chuẩn.

Mặc dù Lý Vi có ý học tập lòng kiên cường thuộc về bản tính của người làm nô gì đó, nhưng thực sự phải bó tay vì nàng không cách nào làm quen. Nếu Phúc tấn không muốn nàng chèn ép người khác, không muốn nàng tỏ vẻ ngông nghênh, tự cao tự đại, nàng sẽ chiều theo ý Phúc tấn hẳn, cả hai bên đều thoải mái chẳng phải rất tốt ư.

Còn Phúc tấn liệu có vì thế mà ghi hận nàng hay không, nói thật lòng là nàng không quan tâm mấy.

Sau khi vào A Ca Sở, nàng học được rất nhiều thứ, một trong số đó là vị trí Phúc tấn kỳ thực không có quyền lợi to lớn bằng chính thất người Hán. Hoàng Thái Cực lập năm Đại Phúc tấn, bất luận bổn ý của ông có phải dự định tập hợp thêm nhiều thế lực không, thì kết quả tạo thành chỉ có một, đó là uy tín của Phúc tấn đã bị hạ thấp.

Trắc phúc tấn, Thứ phúc tấn tuy nghe có vẻ là cấp bậc thấp nhất ở hàng Phúc tấn, nhưng trong mắt các a ca lại không chênh lệch quá nhiều. Chẳng nói đâu xa, nhìn hai vị cách cách trong viện của Ngũ a ca bên cạnh xem, các nàng có cả gan đối chọi với Ngũ phúc tấn, làm Ngũ phúc tấn cũng đến hết cách với các nàng.

Lý Vi coi như đã rõ lý do tại sao Tứ phúc tấn thời xưa lại bó tay với Trắc phúc tấn này, sau đó lại bất lực trước Trắc phúc tấn Niên thị. Trong lịch sử người Hán, việc chính phi của Vương gia bị tiểu thiếp gây khó dễ là điều không thể lý giải, nhưng ở phía người Mãn lại không có gì lạ lùng.

Như thể ở lãnh địa của người Mãn thì chỉ nô lệ và người Hán là có thân phận thấp thực sự, các dòng họ khác là tương đương nhau.


trướctiếp